Nắm bắt được nhu cầu sử dụng máy giặt ngày càng cao của các gia đình, các hãng máy giặt cũng đang không ngừng cải tiến công nghệ và chất lượng của mình. Vài năm trở lại đây, nhiều hãng máy giặt Nhật (Toshiba, Hitachi, Panasonic…), hay Hàn Quốc (LG,..) thường xuyên quảng cáo về dòng máy mới có thiết kế truyền động trực tiếp với tính năng ưu việt. Vậy máy giặt truyền động trực tiếp là gì, có những tính năng nào nổi trội hơn máy giặt truyền động gián tiếp?
1. Khái niệm máy giặt truyền động trực tiếp, truyền động gián tiếp
Cơ chế của bất kì loại máy giặt nào đều là giặt quần áo bằng cách đảo quần áo cùng với nước và bột giặt. Sự chuyển động này có thể được thực hiện thông qua dây curoa nối giữa động cơ và lồng giặt. Khi động cơ của máy giặt được khởi động, dây curoa sẽ truyền lực quay từ động cơ lên lồng giặt qua bánh đà (ròng rọc) được gắn bên dưới hoặc phía sau lồng giặt, giúp xoay lồng giặt, gọi là “máy giặt truyền động gián tiếp”, hoặc thông qua động cơ quay được gắn trực tiếp vào lồng giặt, do đó nó được gọi là “máy giặt truyền động trực tiếp”.
So sánh động cơ của máy giặt truyền động trực tiếp (trái) và truyền động gián tiếp (phải)
2. Ưu và nhược điểm của máy giặt truyền động gián tiếp
Máy giặt truyền động gián tiếp là loại máy giặt ra đời đầu tiên. Cơ chế truyền động của động cơ được truyền qua dây curoa tới “bánh đà” sau đó làm xoay lồng giặt. Cơ chế hoạt động này tương tự như cơ chế hoạt động của bánh sau xe đạp khi đạp xe.
Nhược điểm: Do phải truyền động thông qua dây curoa nên hoạt động của máy giặt truyền động gián tiếp sẽ kém trơn tru. Cùng với đó lực ma sát sẽ khiến cho điện năng bị tiêu tốn và lãng phí. Theo thời gian, dây curoa có thể bị dãn làm giảm hiệu suất hoạt động, gây ra tiếng ồn hoặc rung lắc khi hoạt động.
Ưu điểm: Mặc dù tồn tại một số nhược điểm, nhưng máy giặt truyền động gián tiếp có ưu điểm giá cả có phần cạnh tranh hơn. Nếu gặp sự cố, máy giặt truyền động gián tiếp cũng dễ xử lý và dễ dàng thay thế link kiện trên thị trường.
Lồng máy giặt truyền động trực tiếp (trái) và lồng máy giặt truyền động gián tiếp (phải)
3. Ưu và nhược điểm của máy giặt truyền động trực tiếp
– Tiết kiệm điện: Máy giặt truyền động trực tiếp được cho là tăng hiệu quả sử dụng năng lượng của máy giặt. Năng lượng truyền đến động cơ không bị hao tổn do lực ma sát như khi phải vận hành qua dây curoa đến lồng giặt mà ngay lập tức có thể tác động lên lồng giặt để xoay lồng giặt.
– Giảm thiểu tiếng ồn: Máy giặt truyền động trực tiếp cấu tạo đồng nhất, sử dụng ít linh kiện hơn, đồng nghĩa với việc loại bỏ tiếng ồn từ nhiều linh kiện khác nhau và do đó giúp giảm độ rung ồn tổng thể giúp máy chạy êm ái hơn.
Máy giặt truyền động trực tiếp giảm thiểu tối đa tiếng ồn
– Sử dụng nhiều công nghệ giặt hiện đại và nhiều tính năng tiện ích: Hầu hết các máy giặt truyền động trực tiếp đều được trang bị các tín năng hiện đại như hệ thống vắt khô Air Turbo, chức năng giặt hơi nước Vapour, hay các công nghệ như Công nghệ sấy block, động cơ bơm nhiệt ECO Công nghệ chống nhàu quần áo, giặt thổi bong bóng, Công nghệ Econavi tiết kiệm tối đa điện – nước, Khử mùi hôi quần áo bằng tia cực tím…..
– Tốc độ vắt cao hơn: Máy giặt truyền động trực tiếp cho tốc độ vòng quay cao hơn do có một hệ thống đồng nhất ổn định, điều này cũng giúp thời gian phơi sấy quần áo giảm đáng kể.
– Độ bền cao hơn: Máy giặt truyền động trực tiếp do sử dụng đồng nhất một bộ chuyển động nên nguy cơ hỏng hóc hao mòn của máy cũng giảm đáng kể.
Nhược điểm lớn nhất của máy giặt Inverter truyền động trực tiếp là nó cần một động cơ cấu tạo đặc biệt, phức tạp hơn trong thiết kế. Từ đó dẫn đến việc giá thành cũng cao hơn các dòng máy giặt truyền động gián tiếp. Tuy nhiên, hiện nay do sự phát triển của công nghệ và sự cạnh tranh của thị trường, giá cả của máy giặt truyền động trực tiếp cũng đang có xu hướng giảm dần.
Mặc dù máy giặt dẫn động trực tiếp ngày càng trở nên phổ biến là điều dễ hiểu . Tuy nhiên, đó không có nghĩa là bạn nên bỏ qua các lợi ích của máy giặt truyền động gián tiếp. Chúc các bạn có sự lựa chọn phù hợp, tối ưu nhất cho gia đình mình!
Nguyễn Hoa Mai